1. Giới thiệu
Với những lo ngại chung về: “độ tin cậy, quyền sở hữu, tính riêng tư, bảo mật, . . . đối với “Cloud Computing Service”, trong khuôn khổ bài này, chúng tôi sẽ tổng hợp đặc tính, thuận lợi, khó khăn khi dùng Cloud Computing Service.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, Cloud Computing có thể sẽ lại trở thành độc tài như mô hình điện toán trung tâm (main frame) trước đây, các công ty thiết lập các hệ thống main frame tương tự như cloud hiện nay, người dùng kết nối với chúng qua các trạm. Người dùng chỉ được thực hiện những việc trong phạm vi hệ thống máy tính trung tâm cho phép, máy tính cá nhân ra đời như là sự đáp trả “sự độc tài” của main frame. Nhưng Cloud Computing mở hơn, quan trọng hơn, giá rẻ hơn, . . . như vậy rất tiện lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động vì giảm chi phí.
Để trả lời ngắn gọn câu hỏi:”Cloud Computing có thật sự hữu ích cho một tổ chức, công ty hay không?” chúng ta phải xem xét: quy mô, hình thức hoạt động, . . . đặc biệt nếu dữ liệu là vô cùng quan trọng đối với họ, chắc hắn người ta sẽ xây dựng một hệ thống lưu trữ riêng và nó được vận hành như hệ thống lưu trữ của các ngân hàng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ mà dữ liệu không quan trọng lắm, Cloud computing sẽ là giải pháp tối ưu do họ không phải chi phí đầu tư, quản lý, bảo trì, vận hành hệ thống lưu trữ.
2. Đặc tính của Cloud Computing Service
Cloud Computing có năm tính chất nổi bật so với mô hình truyền thống.
Hình 1. NIST Visual Model of Cloud Computing Definition
2.1. Khả năng co giãn (Rapid elasticity)
Một đặc tính nổi bật của Cloud Computing là khả năng tự động mở rộng hoặc thu nhỏ hệ thống theo yêu cầu người dùng (hệ thống sẽ tự mở rộng hoặc thu hẹp bằng cách thêm hoặc giảm bớt tài nguyên).
Một người dùng ký hợp đồng thuê một Server gồm 4 CPU. Nếu lượng truy cập thấp chỉ cần 1 CPU là đủ, khi đó hệ thống quản lý của nhà cung cấp dịch vụ sẽ tự ngắt bớt 3 CPU, người dùng không phải trả phí cho 3 CPU nói trên và chúng được đưa sang phục vụ người dùng khác. Đến khi nhu cầu tăng tức là lượng truy cập tăng, hệ thống ngay lạp tức sẽ tự động thêm CPU vào, nếu nhu cầu vượt quá 4 CPU thì người dùng trả phí theo hợp đồng đã ký với nhà cung cấp cloud computing service.
Khả năng co giãn nhanh và linh hoạt giúp cho nhà cung cấp dịch vụ cloud computing service tận dụng tài nguyên dư thừa phục vụ được nhiều khách hang, người dùng giảm chi phí vì họ chỉ phải trả tiền cho những tài nguyên thực sự dùng.
2.2. Dịch vụ theo nhu cầu (On-demand self-service)
Người dùng gửi yêu cầu thông qua trang web cung cấp dịch vụ, hệ thống của nhà cung cấp sẽ đáp ứng để người dùng có thể tự phục vụ như: tăng – giảm thời gian sử dụng server và dung lượng lưu trữ, … mà không cần phải trực tiếp yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ, tức là mọi nhu cầu khách hàng đều được xử lý trên internet.
2.3. Truy xuất diện rộng (Broad network access)
Cloud Computing Service là tập hợp các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) được cung cấp thông qua môi trường internet, ở đó người dùng thích dịch vụ gì thì dùng dịch vụ ấy, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, được lựa chọn những dịch vụ tốt nhất ở bất cứ đâu ào bất cứ lúc nào. Như vậy người dùng có kết nối internet là có thể sử dụng dịch vụ, Cloud Computing Service không yêu cầu người dùng phải có khả năng xử lý cao, người dùng có thể truy xuất bằng các thiết bị di dộng như điện thoại, PDA, laptop.
2.4. Dùng chung tài nguyên và điều tiết dịch vụ
Nhà cung cấp dịch vụ cho phép người dùng dùng chung tài nguyên do họ cung cấp dựa trên mô hình “multi-tenant”, tài nguyên được phân phát rất linh hoạt tùy theo nhu cầu của người dùng. Khi nhu cầu của một người dùng nào đó giảm xuống, lập tức phần tài nguyên dư thừa sẽ được phục vụ cho người dùng khác. Nếu một người dùng 4 CPU từ 7 – đến 11 giờ hàng ngày, một người dùng khác thuê 4 CPU tương tự 13 giờ đến 17 giờ hàng ngày thì họ có thể dùng chung 4 CPU đó (Hình 2).
Hình 2. Tài nguyên dùng chung
Cloud Computing Service dựa trên công nghệ ảo hóa, tài nguyên ở đây đa phần là tài nguyên ảo, chúng được cấp phát linh hoạt tùy theo nhu cầu (động) của từng người dùng khác nhau, nhà cung cấp dịch vụ có thể phục vụ nhiều người dùng hơn so với cách cấp phát tài nguyên (tĩnh) truyền thống.
Hệ thống Cloud Computing Service tự động kiểm soát và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên bao gồm: dung lượng lưu trữ, đơn vị xử lý, băng thông, …. Lượng tài nguyên sử dụng có thể được theo dõi, kiểm soát và báo cáo một cách minh bạch cho cả hai phía nhà cung cấp dịch vụ và người dùng.
3. Những khó khăn
3.1. Data lock-in
Ngày nay, khả năng tương tác giữa các nèn tảng khác nhau của các phần mềm đã được cải thiện, nhưng các hàm API (Application Programming Interface) của Cloud Computing vẫn chưa được chuẩn hóa nên nếu một người dùng viết một ứng dụng trên nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ thì ứng dụng đó không thể chạy được trên nền tảng của nhà cung cấp dịch vụ khác. Như vậy người dùng phụ thuộc nhà cung cấp dịch vụ là điều bất lợi.
Nếu các các nhà cung cấp Cloud Computing Service cùng nhau chuẩn hóa API, người dùng có thể phát triển ứng dụng trên nền tảng của nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Nếu hệ thống cung cấp dịch vụ nào đó gặp sự cố thì dữ liệu người dùng không mất vì nó đã nằm đâu đó trên hệ thống của các nhà cung cấp dịch vụ khác. Nếu như cách này được thực hiện, chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá, đến đây khi lựa chọn dịch vụ người ta phải cân nhắc:
Thứ nhất, chất lượng dịch vụ tương xứng với giá mà người sử dụng trả cho nhà cung cấp dịch vụ, dù đắt người ta vẫn dùng, tức là “đắt xắt ra miếng”.
Thứ hai, giảm data lock – in và chuẩn hóa các API sẽ dẫn đến khả năng: “cơ sở hạ tầng, phần mềm có thể chạy trên private cloud hoặc public cloud”.
Khi người dùng lưu trữ dữ liệu trên hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ, câu hỏi đặt ra là: có gì đảm bảo dữ liệu an toàn, không rò rỉ? Về mặt công nghệ, hiện nay vẫn chưa có cách nào hiệu quả để giải quyết vấn đề trên, do đó người dùng thường chỉ lựa chọn những nhà cung cấp lơn và có uy tín.
3.2. Bảo mật và kiểm tra dữ liệu
Như đã nói ở trên, dữ liệu lưu trên cloud có an toàn không? Nhưng chắc chắn xác suất bị người khác khác truy xuất rất cao, đây thực sự là một thách thức trong bảo mật dữ liệu. Trước hết người dùng phải mã hóa dữ liệu trước khi đưa lên cloud để lưu trữ, khi sử dụng tất nhiên phải giải mã trên PC của họ. Người dùng ghi nhận thông tin hệ thống đã sử lý cùng với sử dụng các hệ điều hành ảo khi cung cấp dịch vụ IaaS sẽ làm cho ứng dụng của mình khó bị tấn công hơn.
Ngoài ra, bảo mật dữ liệu phụ thuộc con người, luật bảo vệ người dùng cloud computing service, nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ phải cho người dùng tùy ý lựa chọn vị trí lưu trữ và chịu trách nhiệm pháp lý bảo đảm dữ liệu của người dùng không bị rò rỉ, ngược lại phải bồi thường theo luật ra bên ngoài.
3.3. Tắc nghẽn trên đường truyền dữ liệu và hiệu quả PC
Có những ứng dụng khi bắt đầu chạy thì dữ liệu ít, càng về sau dữ liệu càng nhiều, có ứng dụng chạy trên Cloud và có thể lưu ở các vị trí khác nhau, khi chạy ứng dụng này phát sinh “vận chuyển dữ liệu giữa các data center”. Người dùng phải trả phí vận chuyển dữ liệu giữa các data center, ứng dụng chạy càng về sau thì chi phí này càng tăng lên, đây là điều phải cân nhắc.
Khi nhiều máy tính ảo cùng chạy, thì vấn đề chia sẽ về CPU hay bộ nhớ đạt hiệu quả cao, nhưng vấn đề giao tiếp IO của các máy ảo này gây ra nhiều vấn đề liên quan đến hiệu suất máy tính.
Hình 3. So sánh hiệu xuất chạy 72 máy ảo trên EC2 giữa các máy chia sẻ bộ nhớ (a) và máy chia sẻ ổ cứng (b)
Để giảm ảnh hưởng của việc truy xuất vào ổ cứng. Ta có thể dùng flash để hạn chế trong giảm hiệu suất này.
3.4. Nhu cầu lưu trữ người dùng
Mặc dù Cloud Computing đáp ứng linh hoạt nhu cầu lưu trữ của người nhưng lại gây khó khăn trong quản lý hệ thống lưu trữ, chẳng hạn một người sử dụng mua một khoảng dung lượng thì phải cung cấp cho người đó bao nhiêu là tối ưu, vừa đủ cho người dùng hay nhiều hơn yêu cầu, tăng độ phức tạp cấu trúc dữ liệu (cấu trúc dữ liệu làm sao hổ trợ vấn đề lưu trữ, vấn đề duyệt, vấn đề mở rộng…), hiệu suất truy xuất dữ liệu trong ổ cứng không cao (nếu phục vụ nhu cầu của người sử dụng thì hệ thống lưu trữ của mình có thể dễ bị hiện tượng phân mảnh trong lưu trữ).
Như vậy, làm sao tạo ra một hệ thống lưu trữ tiện lợi, đáp ứng vụ nhu cầu và khả năng lưu trữ của người sử dụng đang là vấn đề phức tạp phải giải quyết của các nhà cung cấp Cloud Computing Service.
4. Kết luận
Cloud Computing Service là một mô hình cung cấp dịch vụ hoàn toàn mới với nhiều ưu điểm so với dịch vụ truyền thống. Mặc dù đang phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Cloud Computing Service với khả năng co giãn linh hoạt, rất nhiều tiện lợi, rất rẻ đối với người dùng. Cho dù còn lo lắng về bảo mật, độ tin cậy đối với nhà cung cấp dịch vụ, . . . nhưng không thể phủ nhận xu thế phát triển tất yếu của Cloud Computing Service. Vì vậy, cần sớm sử dụng Cloud Computing Service nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội vàng.
TS. Chu Văn Vệ
(cnth theo thnh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét